THÁNG BẢY NGÀY RẰM XÁ TỘI VONG NHÂN
Sơn Trà
Trong một bài viết của tác giả Lại Vĩnh Mùi trên báo Vietnam net có trích lời nói của giáo sư Hoàng Như Mai nhận xét như sau: "Ngày lễ Vu Lan, ngày Rằm tháng Bảy, ngày xá tội vong nhân có thể được coi là ngày tình thương Việt Nam vì con người, vì cuộc sống hiền hòa, an lạc, tiến bộ cho loại con người" . Thật ra lễ Vu lan và lễ Xá tội vong nhân, là hai lễ hoàn toàn khác nhau, về truyền thuyết, gốc tích, và cách thức hành lễ đựơc du nhập vào Việt nam, và người Việt nam ghép chung 2 lễ nầy vào cùng ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm.
Ngày rằm tháng bảy thường rơi vào sau ngày tiết Lập thu và trước ngày tiết Xửthử nên còn gọi là Trung Nguyên tiết, hay Tết Trung Nguyên (Wandering Souls Day). Người theo Phật giáo đa số đều biết đến kinh Vu Lan Bồn. Kinh Vu Lan Bồn do Phật Thích ca Mâu ni thuyết, sau nầy Ông A nan ghi lại. Theo từ nguyên Vu-lan (Ullambana) là từ viết tắt của Vu-lan-bồn cũng được gọi là Ô-lam-bà-noa, là cách phiên âm Phạn-Hán từ danh từ ullambana. Ullambana có gốc từ động từ ud-√lamb, nghĩa là "treo (ngược) lên". Thế nên các dịch giả Trung Quốc cũng dùng từ Đảo huyền, "treo ngược lên" cho từ Vu-lan, chỉ sự khổ đau kinh khủng khi sa đoạ địa ngục. Có người không đồng ý theo cách giải thích nầy. Đầu tiên chữ “Bồn” cũng có nhiều tranh luận, có tác giả cho Bồn là cái chậu đựng thức ăn, cũng không đúng. Bởi vì như vậy là vừa thất lễ vừa không tinh khiết đối với Tam Bảo ( Phật, Pháp,Tăng) vì ngay trong Kinh “ Vu lan Bồn diễn nghĩa” đã hướng dẫn:
“Phải toan sắm sửa chớ chầy
Thức ăn trăm món, trái cây năm màu
Lại phải sắm giường nằm chiếu tốt
Cùng thau, bồn, đèn đuốc, nhang dầu
Món ăn tinh sạch báu mầu
Ðựng trong bình bát vọng cầu kính dâng…
Có tác giả cho rằng Chữ “Bồn” có nghĩa là Cứu Đảo huyền, có nghĩa là cứu cái khổ treo ngược, nhưng cách giải thích nầy cũng chưa ổn. Theo tôi nhận thấy định nghĩa của ông An Chi ( Huệ Thiên) trích sau đây có vẻ thuyết phục hơn cả. Ông An Chi ( Huệ Thiên) là một thành viên trong Ban giảng huấn - Lớp Gia Giáo luyện dịch Hán Tạng Chùa Viên Giác Tân Bình, phụ trách giảng ngoại khóa. Bài này đã được học giả An Chi giảng tại lớp Gia Giáo ngày 9/8/2000. Tôi xin trích nguyên văn để các bạn tham khảo:
“Vu lan Bồn chữ Phạn dịch là Ullambhana có nghĩa là sự giải thoát. Danh từ Sanscrit này có ba hình vị: Tiền tố ud (trở thành ul vì lý do đã nói), căn tố động từ lambh và hậu tố ana. Xin nói rõ về từng hình vị : Không giống như trong Ullambana, ở đó nó chỉ sự vận động từ dưới lên. Trong Ullambhana, tiền tố ud chỉ ý phủ định hoặc đối lập, thí dụ : chad (che, bọc, phủ), dv (đối với), uc-chad (cởi quần áo), khan (chôn), đv ut-khan (moi lên), gam (đi), đv ud-gam (đi ra), nah (trói, buộc), đv un-nah (cởi trói) v.v... Trong những thí dụ trên, ud trở thành uc, ut, un do quy tắc biến âm samdhi. Còn các căn tố động từ thì được ghi bằng chữ in hoa theo truyền thống khi chúng được tách riêng. Căn tố động từ lambh là hình thái luân phiên với labh, có nghĩa là lấy, chiếm lấy, nắm bắt ... Vậy Ul-lambh có nghĩa là giải thoát. Hậu tố ana chỉ hành động có liên quan đến ý nghĩa mà tiền tố và căn tố động từ diễn đạt. Vậy Ullambhana có nghĩa là sự giải thoát. Ullambhana được phiên âm sang Hán ngữ bằng ba tiếng dọc theo âm Hán Việt là "Vu Lan bồn". Vu Lan bồn được nói tắt thành Vu Lan. Vậy Vu Lan là sự giải thoát. Xuất xứ của nó là danh từ Sanscrit Ullambhana. Ðây là từ thứ hai trong hai từ mà chúng tôi đã suy đoán ở trên. Trong cấu tạo của từ này, tuyệt nhiên cũng không có một thành tố nào mà về ngữ nghĩa lại có liên quan đến hiện tượng "treo ngược " cả.
Về sự tích thì ai cũng biết rằng Mục Kiền Liên là một Đầu Đà tu theo phái Sànjaya sau khi quy thuận theo Thích ca có dẫn theo 500 đệ tử. Ngài Mục Liên chứng quả A la hán và có sáu phép thần thông, là một trong 10 đại đệ tử của Phật Thích ca có thần thông bậc nhất. Khi chứng quả ngài muốn báo hiếu Mẹ, nên ngài dùng huệ nhãn (thiên nhãn thông) soi khắp 6 cõi để tìm xem mẹ là bà Thanh Đề hiện tại sanh vào cõi nào. Thì thấy bà đang ở trong cõi Địa ngục, chỉ còn da bọc xương, ngài bèn thương xót, dùng phép thần thông để xuống Địa ngục thăm mẹ, và dâng một bát cơm. Mẹ ngài mừng lắm nên tay trái che bát (vì sợ loài quỷ đói tranh giành) tay phải bốc ăn, nhưng không ngờ rằng do nghiệp duyên quá nặng nên cơm biến thành than lửa, không thể ăn đựơc. Ngài bèn trở lại trình bày cùng Phật Thích ca, ngõ hầu hỏi phương cách thể nào để cứu đựợc mẹ. Phật dạy ngày rằm tháng bảy là ngày chư tăng tự tứ, kết thúc lễ an cư kiết hạ. Đàn na tín chủ nên sắm sanh lễ vật để cúng dường chư tăng, đồng thời nhờ thần lực nhiều người chú nguyện có thể cứu được cha mẹ ông bà đến 7 đời trở lên (cửu huyền thất tổ).
Như vậy lễ Tết Trung Nguyên phải đựợc thực hiện tại một ngôi chùa nào đó, mà ngôi chùa đó phải là ngôi chùa có nhiều tăng ni đến để thọ an cư kiết hạ. Trước năm 1975 sau ngày Đại lễ Phật Đản ( rằm tháng tư âl) thường lệ chư tăng quy tụ về chùa Tỉnh giáo hội, hay Phật học viện theo từng vùng, họăc phân định theo Miền để tập trung trong 3 tháng hạ, với mục đích tu học. Trong Giới hạ có cử những vị minh sư làm Đàn đầu, Yết na.. để chứng minh và cung thỉnh các hòa thượng cao tăng học rộng làm Giáo thọ để giảng dạy tăng ni. Kết thúc khóa an cư có sát hạch và cấp giấy chứng nhận. Sau 1975 do chính quyền quản lý chặt chẽ về hộ khẩu, đi đâu phải xin phép tạm trú tạm vắng. Cho nên tăng ni rất khó tụ tập lại qua một đêm cũng khó huống hồ 3 tháng. Không biết mùa an cư bây giờ các chùa trong nước tùy duyên tổ chức như thế nào tôi không rõ. Ngày rằm tháng bảy hằng năm, ngày nay tôi thấy các chùa đều có tổ chức Lễ Vu lan, theo nghi thức thì đúng với hình thức của lễ nhưng về nội dung thì không đúng theo lời Phật dạy trong kinh Vu Lan bồn..
Hiện nay trong nước những ngày sóc ngày vọng người theo Phật giáo hay tín ngưỡng thờ cúng ông bà đa số đều có mua hoa quả, áo giấy, nhang đèn, bánh ngũ sắc, gạo muối nước.. Có nhà kha khá thêm xôi gà hay cháo thánh (cháo lỏng) hoặc khoai sắn, bắpv.v rồi đặt bàn để cúng ngoài sân. Người thì bảo là “cầu ma vọng quỷ” Người thì gọi là cúng thí cô hồn. Họ cho rằng bởi chiến tranh, có nhiều chiến sĩ trận vong, nạn nhân chiến cuộc, nhiều oan hồn uổng tử, bất luận già trẻ gọi là nam nữ thương vong. Sau cuộc chiến, vì sinh kế, phải vượt biển băng ngàn, trèo đèo lội suối, kẻ không may hoặc thuyền đắm, hoặc sa hố té cây, bão tố phong ba, trao thân cho hà bá, hoặc cọp beo thú dữ. Hoặc những kẻ sa cơ lỡ vận, hay thấy sự hà khắc chính quyền, đi vào khai phá rừng thiêng nước độc, một đi không trở lại, Như vậy họ chết không phải là số trời ( thiên định) mà chết trước thiên mệnh, trước số định, người ta gọi là chết “bất đắc kỳ tử”. Những oan hồn nầy không siêu thoát đựợc nên quanh quẩn cây đa giếng nước, bụi chuối lùm cây, không nơi nương tựa, không ai cúng giỗ nên gọi là “cô hồn các đảng”.
Sự tích cúng cô hồn theo kinh " Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni” kể rằng một buổi nọ Ông A Nan, ( 1đaị đệ tử của Phật Thích Ca) đang nhập định dưới cội cây thấy một vị Diệm Nhiên ( mặt cháy đỏ ) thân hình ngạ quỷ, hình thể đen xấu khô gầy, trên đầu đội 3 hòn núi, đôi mắt đỏ hực, miệng thì lửa cháy. Đầu tóc rã rời, bụng to như cái trống, cổ nhỏ như cây kim. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ đọa vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói : " Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên ". A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật, làm sao có đủ thức ăn để thí cho hằng sa ngạ quỷ. Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni" hay còn gọi là “ Nhứt Thiết Đức Quang” đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng Diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian Việt nam thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay người ta vẫn còn nói cúng cô hồn là Phóng Diệm khẩu. Có khi còn nói tắt thành Diệm khẩu nữa. Diệm khẩu, từ cái nghĩa gốc là (quỷ) miệng lửa, nay lại có nghĩa là cúng cô hồn. Phóng diệm khẩu mà nghĩa gốc là " thả quỷ miệng lửa ", về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành " tha tội cho tất cả những người chết ". Vì vậy, ngày nay mới có câu : " Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân "..
Ngày nay trong nước người ta cúng cô hồn theo lòng tin “cầu đựợc, ước thấy” đồng thời cũng cầu lợi lộc cho bản thân, xin bình an và buôn may bán đắt. Nhìn kẻ đương thời cũng phải phong bì biếu xén cấp trên thì địa vị mới yên. Suy ra Dương sao Âm vậy, thì người buôn gánh bán bưng, rách áo trầy vai với chiếc đòn gánh tre, mòn dép trên con đường cát nóng, dành dụm đựơc ít tiền, mỗi tháng một đôi lần, chẳng biết lo lót cho ai, nên tỏ chút tình thương với những người xấu số, cũng mong cầu mạnh chân khỏe gối. Thương thay, không biết còn lại 28 ngày kia không ai cúng thí, mà sao các cô hồn không vào các nhà “quan tham” có chức có quyền mà quậy phá?. Không lẽ lá bùa “vô thần” lại có phần ngăn cản một cách hiệu nghiệm hay sao? Ngày rằm tháng bảy , ở các chùa, ban tổ chức lễ Vu lan thường là các huynh trưởng Gia đình phật tử. Người còn mẹ tại thế người ta cài trên ngực áo hoa màu hồng. Người đã mất mẹ cài hoa màu trắng. Đây là phong tục bắt chước người tây phương nhân Ngày Từ mẫu ( Mother’s Day). Duyên do Tại Nhật bản, thầy Nhất Hạnh đi với thầy Thiên Ân đến khu Ginza Đông kinh nhóm sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên ân, rồi cài hoa cẩm chướng màu trắng trên ngực áo thầy Nhất Hạnh, hỏi ra mới biết sự thể, nên thầy viết lại chuyện nầy qua tác phẩm Bông Hồng Cài Áo” phổ biến tại Miền Nam vào thập niên 60, từ đó trong Phật giáo, nhân ngày lễ Vu lan có tập tục cài hoa hồng, hoa trắng.
Theo kinh điển, khoa nghi “ Mông sơn Thí thực” người bình dân gọi nôm na là “ cúng thí thực, cô hồn” là một khoa nghi chẩn tế, gia trì hiển mật, thường thì các tu sĩ, đã thọ giới trường trai mới thực hiện gia trì chẩn tế , nếu thiếu sự gia tâm mật nguyện thì phải vật lộn với các loài ấy, mà phải bị nghiệp chết yểu . Thế nhưng ngày nay tôi thấy các “thợ tụng” thầy cúng tại gia, không phải “đầu tròn áo vuông” cũng ê a “ Chí tâm triệu thỉnh..” đồng thời lồng vào bài văn tế Thập loại chúng sinh của thi hào Nguyễn Du nữa, tín chủ nghe cũng động lòng, còn cô hồn thì chẳng biết có cứu độ được không, thật hết biết.Dân gian thường nói: “ sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi” .Chư tổ dạy: “Phật pháp nan hành , sa môn dị tác” ngay cả tăng sĩ cũng cần phải tu luyện thực hành áp dụng đúng tinh thần khoa nghi thì phước đức mới tăng trưởng, ngược lại nếu không tu luyện bắt chước làm theo sai giáo pháp, vì lẽ đó mà tổn phước và mất đức. Đồng thời qua bài viết nầy tôi thấy kinh sách có khuyên nhủ quý bà con ngày rằm tháng bảy, hay ngày sóc ngày vọng hằng tháng không nên tự ý cúng cô hồn hay vọng cầu ma quỷ không đúng phương pháp chẳng qua“lợi bất cập hại”.
Trong Truyện Tích Phật giáo có kể một vị nọ con duy nhất trong nhà lại phát tâm bồ đề rộng lớn, muốn xuất gia tu học. Mẹ già rất buồn nhưng vẫn nghĩ rằng trong nhà có người đi tu thì cũng có phước, chiều theoý thích của con. Một ngày kia y từ giã mẹ già, khăn gói lên đường xuất gia “cát ái từ thân”. Cuộc tiển đưa vô cùng bịn rịn của người đi kẻ ở. Chàng đến diện kiến một vị danh sư nỗi tiếng, đã nhiều năm ngưỡng mộ về đạo cao đức trọng cũng như danh thơm tiếng tốt của sư phụ nầy. Hôm nay quỳ gối ở phương trượng mà xin thí phát quy y học Phật. Vị thầy không nhận thí phát lại bảo về quay về nhà, vì ở nhà đang có vị danh sư cao hơn ta nữa, tức là “Phật sống” hiện đang ở tại nhà, Thầy còn dặn thêm hể về nhà nếu thấy ai mang dép trái đó tức là Phật sống. Chàng trai hối hả trở về, quá nửa khuya, người mẹ thương con, nghĩ thân phận mình cô đơn nên khó ngủ. Bổng nghe tiếng gọi cửa của con mình bên ngoài . Bà mừng quýnh, xỏ vội dôi dép, lật đật ra mở cửa. Người con thấy mẹ vội vàng nên mang dép trái. Bỗng chàng ngộ ra: “Phật ở nhà không thờ, mà đi thờ Thích ca ngoài đường” Từ đó chàng ở nhà chăm lo phụng dưỡng cho mẹ. “ Thiên kinh vạn quyển,nhất hiếu vi tiên”. Tôn giáo nào cũng đưa chữ hiếu lên hàng đầu. Ngay cả trong dân gian, người bình dân nghĩ gì nói nấy không theo kinh điển mà rất chí lý:
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.
Hoặc:
Thứ nhất là tu tại nhà,
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.
Nhiều người khi cha mẹ sinh tiền thì không chăm sóc, cho đến khi cha mẹ mất thì làm đám tang cho lớn, tra xét theo Thọ mai gia lễ, mời ban nhạc bát âm, đàn hát lung tung, cúng tế quỷ thần, hạ bò giết lợn làm văn tế kể lể thảm thiết v.v cốt chỉ mua cười trong thiên hạ:
Sống thời con chẳng cho ăn
Chết thời xôi thịt làm văn tế ruồi.
Còn nhiều người chỉ lo chưng diện bản thân, không màn tới cha mẹ rách rưới, chẳng lo sửa soạn quần áo cho cha mẹ, nói chi đến chuyện trà nước, thuốc thang:
Thế gian dại lắm chưa khôn
Sống mặc áo rách chết chôn áo lành.
Đâu phải đợi đến ngày rằm tháng bảy mới là mùa báo hiếu. Nhiều người suốt đời chẳng đi Chùa, hay nhà thờ nào cả.Hoa màu hồng hay hoa màu trắng với họ đều vô nghĩa, nhưng họ tận tụy chăm sóc với cha mẹ, từng miếng cơm miếng cháo, năng niu dìu dắt từng bước đi lúc cha mẹ xế bóng về già, giặt giũ áo quần dơ không nề hà, đó là tấm gương chí hiếu. Hiếu đễ không phải đợi đến khi chúng ta thành đạt, rồi cung phụng món ngon vật lạ, sắm sanh nhiều tiện nghi vật chất cho cha mẹ mới là trả hiếu, nếu có, đó là việc tốt, nhưng chưa trọn vẹn. Khi nghèo khó mà thể hiện nhường cơm sẻ áo, cung cấp cho cha mẹ đầy đủ,ấm no, như người bình dân hát ru con:
Đói lòng ăn hạt chà là
Nhịn cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
Nhiều người chịu cực chịu khổ nhưng vẫn bám làng quê vì không nở bỏ cha mẹ, e rằng không người phụng dưỡng:
Thà ăn bắp hột chà vôi
Còn hơn giàu có bồ côi một mình
Vì bởi:
Nuôi con mới biết sự tình
Thảm thương cha mẹ nuôi mình khi xưa
Hoặc nếu dứt áo ra đi thì cắt đặt người ở lại, căn dặn người em;
Dặn lòng em bậu đừng xiêu
Gắng công nuôi thầy mẹ, sớm chiều có anh.
- Mẹ già như tấm lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con
Để lỡ mai nầy không phải xót xa ân hận:
Tưởng tình nghĩa mẹ công cha
Chưa đền chút đỉnh xót xa dạ nầy.
Hoặc kẻ xa quê khi nắng vàng xuống núi, nhìn về xa xăm nơi quê mẹ mà than thở:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
Kho tàng ca dao Việt nam thật phong phú và vô tận, từng vùng đều có nhiều câu rát ru, mang đậm nét văn hóa và giáo dục rất cao. Thiết tưởng nếu lạm bàn thì không giấy bút nào tả xiết.
Trở về chữ hiếu, nhiều người lầm tưởng đến khi cha mẹ mất, làm đám tang cho lớn, mời nhiều thầy về tụng kinh cầu siêu bạt độ, là cứu độ được linh hồn người mất sớm về Tây phương cực lạc. Tôi tin chắc rằng không có vị thầy nào dám xác tín như vậy, mà giáo lý nhà Phật cũng không giảng luận như thế. Nhân lễ Vu lan mong rằng quý phật tử chúng ta hãy nhìn nhận thực hành chữ hiếu một cách thực tế bằng cách làm gương để con cháu mai sau khỏi phải hì hục nạo cái gáo dừa, hay đục cái chén bằng cây để làm cái chén ăn cơm cho ông bố như câu chuyện ngụ ngôn dân gian Việt nam thường truyền tụng.
Ban đầu Phật giáo chỉ cử hành lễ Vu lan còn gọi là Mùa báo hiếu vào ngày rằm tháng bảy. Nhân dịp nầy chư tăng đã mãn khóa An cư kiết ha, sẽ trở về bổn tự của mình. Các đàn na tín chủ cũng vào dịp nầy mang đến những vật dụng cần thiết đến để cúng dường chư tăng ni, đồng thời nhờ chư tăng ni hộ niệm cho cửu huyền thất tổ họ được siêu sanh tịnh độ. Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân, ban đầu bắt nguồn trong Phật giáo từ thần chú “Nhứt Thiết Đức Quang” nhưng sau 500 năm khi Phật Thích Ca nhập diệt các vị tổ sư mới lưu truyền pháp chẩn tế nầy . Từ Tây vực đến Đông độ ( Trung hoa) truyền cho ngài Long Trí Ầ Xà Lê pháp sư cho đến đời nhà Đường lập đàn chẩn tế pháp thí nầy, rồi truyền lại cho ngài Bất Không quốc sư đến ngài Huệ Lãng Pháp sư, Vô Úy pháp sư, ngài Nhứt Hạnh Thiền sư. Năm đời tổ sư truyền cho phái thiền tông là Tổ sư Liễu quán, tổ sư Tế Căn Tổ Tế Hẩu tổ Tế Dũng truyền sang tổ Bửu Tạng rồi truyền sang tổ Nguyên Đạt... Ngày xưa dân ta đều dùng Hán tự, đến khi có chữ nôm,các Khoa nghi Mông sơn thí thực cũng chưa phiên dịch ra chữ nôm. Cho đến khi thi hào Nguyễn Du (1765-1820) sáng tác Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh thì nhiều tu sĩ Phật giáo mới bắt đầu phiên dịch khoa nghi từ Hán ra Việt và Nôm.. Đây là khoa nghi chẩn tế cho thập loại chúng sanh, nhờ oai lực của mười phương tăng có thể chuyển đổi được nghiệp lực của mười loài chúng sanh đó. Theo tôi nghĩ có lẽ vì sự quan trong đó nên các vị tổ sư xưa cũng chọn vào ngày rằm tháng bảy vừa thuận tiện, không phải triệu tập tăng sĩ , vì đã có đầy đủ các vị chức sắc tăng tài trong giáo hội sau mùa An cư. Cho nên lễ Vu lan cũng cùng ngày lễ “ Xá tội vong nhân” vậy.
SƠN TRÀ