Nhật Bình Nguyễn Như Bình
Tổng số bài gửi : 14 Join date : 08/05/2011 Đến từ : Tp. HCM
| Tiêu đề: ĐƯA EM THĂM NÚI NGŨ HÀNH Sun May 08, 2011 8:34 pm | |
| ĐƯA EM THĂM NÚI NGŨ HÀNH Ta đưa em lên núi Ngũ Hành Con đường dốc đứng, nước mây xanh Tay nắm bàn tay mắt nhìn mắt Đất trời Non Nước hóa chòng chành…
Đó là những vần thơ uyển chuyển, mềm mại mở đầu bài thơ Đưa em thăm núi Ngũ Hành của Nguyễn Hải Đăng viết về danh thắng núi Ngũ Hành Sơn – một trong những danh lam thắng cảnh vô cùng nổi tiếng của non nước Việt Nam.
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng tám cây số, về phía Đông Nam, vượt qua sông Hàn, trước mắt chúng ta sẽ hiện ra một bãi cát trắng mênh mông gần bờ biển và những ngọn núi không cao lắm, nhưng có vẻ kỳ bí, kỳ ảo – Đó chính là núi Ngũ Hành Sơn. Danh thắng Ngũ Hành chiếm một vùng sát biển Đông Hải, về phía Đông Bắc có làng Hóa Khê, phía Đông thuộc ấp Sơn Thủy, làng Quảng Khái, Huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng), phía Bắc là Hải Vân quan, hướng Nam là núi Trà Kiệu, phía Tây là dãy Trường Sơn. Chẳng vì vậy mà Đại Nam Nhất Thống Chí đã mô tả: Giữa động cát nổi lên sáu ngọn núi đá, sông Cái lượn phía Tây, biển cả bao phía Đông Bắc, nhìn núi nhọn đẹp, trời lạnh nhìn ở xa, sắc như mây gấm, thật đáng yêu.
Theo sử sách cũ, tên Ngũ Hành Sơn có từ thế kỷ 19. Chính vua Gia Long khi đi tuần du qua đây thấy cảnh núi non kỳ vỹ ngoạn mục mới đặt cụm núi này theo thuyết ngũ hành, mỗi hòn núi ứng với một hành: hòn Kim, hòn Mộc, hòn Thủy, hòn Thổ và hòn Hỏa (hòn hỏa lại bao gồm Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn). Vì lẽ đó mà Hàn Hải Lê Bá Trinh đã làm những dòng thơ đẹp:
Khen ai khéo tạc đến năm hòn Đứng vững phô bày cảnh nước non Cây cỏ xanh rì in dấu đá Non nước lóng lánh dáng chưa mòn Hay như:
Ngũ Hành Sơn năm cụm ngắm sông Hàn Chùa Non Nước trầm tư hương khói quyện (Tường Linh)
Hành hương đến Ngũ Hành, du khách có thể chiêm ngưỡng và khám phá những thắng tích vừa linh thiêng, hoang sơ nhưng cũng đầy thú vị: hòn Thủy với 24 thắng tích: chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng, chùa Tam Tôn, chùa Từ Tâm, Huyền Không động, Linh Nham động, động Thiên Phước Địa, Vọng Giang đài, Tàng Chơn động, Vọng Hải đài, Thiên Long Nguyệt ốc, Văn Cân Nguyệt Quật, Giếng Tiên, Nhựt Thang động, hang Ngũ Cốc hay hang Lồng đèn, đường lên Trời, đường xuống Âm phủ, động Tam Thanh, động Chiêm Thành, động Bàn Cờ, hang Ráy, hang Gió, Bảo Tháp bảy tầng, tháp Phổ Đồng; hòn Kim với bốn thắng tích: Quan Âm động, Thiên Trù động, chùa Thái Sơn, hang Tam Thanh; hòn Hỏa với 5 thắng tích: Huyền Vi động, hang Ông Chài, hang động Ông Lê, chùa Linh Sơn, chùa và hang Phổ Đà Sơn; hòn Thổ với 3 thắng tích: hang Cóc, hang Bồ Đề, chùa Long Hoa; hòn Mộc với 2 thắng tích: Cô Mụ hay Bà Quán Âm, động Bà Trung.
Khi lên đến đỉnh Ngũ Hành Sơn du khách phóng tầm mắt ra bốn phương, từ đây hình ảnh một miền đất trù phú của xứ Ngũ Phụng Tề Phi, Tứ Tuyệt, Tứ Kiệt, Tứ Hùng, Tứ Hổ với cảng Tiên Sa huyền thoại, đèo Hải Vân, núi Bà Nà hùng vĩ cùng những dòng sông Thu Bồn, Cổ Cò, Cu Đê… hiền hòa quyện với nhau điểm xuyến cho Ngũ Hành những phụ cảnh đầy chất thơ mộng.
Ngoài ra, khi thăm viếng Ngũ Hành Sơn, du khách sẽ được tham quan những gia đình chạm khắc cổ truyền nổi tiếng, sẽ đi thăm những cửa hàng trưng bày sản phẩm mỹ thuật đá cẩm thạch. Có thể nói phải mất một thời gian dài đến cả tháng du khách mới đi thăm viếng, chiêm ngưỡng hết các danh lam thắng cảnh, hang động núi Ngũ Hành. Nhiều người hành hương thường tỏ vẻ nuối tiếc khi chưa đi xem hết mọi nơi.
Từ thời xưa, quần thể Ngũ Hành Sơn được người trong nước và nước ngoài đặt nhiều tên khác nhau như: Phổ Đà Sơn, núi Cẩm Thạch, núi đá Hội An, Ngũ Uẩn Sơn hay Bạch Hoa Ngũ Chỉ Sơn. Người Pháp gọi Les montagnes de marbre (theo Sallet): Núi Đá Hoa. Đó chính là những bằng chứng hùng hồn của sự quan tâm của người đời trước đối với cảnh trí này.
Sự tích hình thành núi Ngũ Hành khá thú vị. Sự giải thích đầu tiên liên quan đến một tuyệt tác văn học cũng như một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của Trung Quốc: Tây Du Ký. Mọi người giải thích sự tích núi Ngũ Hành na ná với truyện Tây Du Ký. Huyền thoại Đức Phật Quán Thế Âm đã dùng phép khiến Tề Thiên Đại Thánh dù có Cân đẩu vân hàng vạn dặm cũng không thể nào thoát khỏi bàn tay của Đức Phật. Phật bà đã úp trọn bàn tay năm ngón nhốt Tề Thiên. Năm ngón tay Phật Bà Quán Âm còn lưu dấu đến ngày nay và sẽ lưu truyền mãi. Sự lý giải thứ hai dựa theo thuyết Chiêm Thành, Ngũ Hành Sơn do vỏ trứng của thần Kim Quy tạo nên. Từ dưới biển thần Kim Quy lên bờ đẻ trứng, quả trứng nở thành năm mảnh và xuất hiện một người con gái rất đẹp, còn vở trứng sau trở thành Ngũ Uẩn. Tất cả những cách giải thích ấy chỉ là huyền thoại, là truyền thuyết.
Ngũ Hành Sơn được chú ý tôn tạo qua bao nhiêu thế kỷ mà thoạt đầu, trước khi hồi kinh sau thành công Nam tiến 1471, vua Lê Thánh Tông để lại người anh cùng cha khác mẹ là Trần Tấn Triều tiếp quản Ngũ Hành Sơn. Ông là người sung đạo Phật nên khoảng thời gian nhậm chức, ông có công lớn đối với địa phương, nhất là đối với núi Ngũ Hành. Lúc ông qua đời, con ông là Lê Công Triệu kế tục sự nghiệp và cũng tạo được nhiều công đức. Do vậy mà ngày nay du khách khi viếng núi Ngũ Hành Sơn sẽ được chiêm ngưỡng Thần Câu Kê Lê Công Triệu bằng hình tượng, an vị tại chùa Tam Thai – nơi đây, các vị trụ trì kế tục bảo quản nhiều sắc, bằng do các vua triều Nguyễn ban về những thành tích công quả do chùa đạt được.
Núi Ngũ Hành đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia, được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm bảo vệ, phát huy tiềm năng to lớn của ngành du lịch tại đây để giới thiệu ra khắp các nước trên thế giới. Danh thắng này vừa mang nét đẹp của tạo hóa thiên nhiên, vừa mang nét đẹp đậm đà bản sắc dân tộc của nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng, của chính quyền các cấp tôn tạo, bồi đắp… Với tinh thần giữ nguyên cảnh dáng cũ, tu bổ cái đáng tu bổ và tôn tạo cái đáng tôn tạo làm cho cảnh quan nơi đây ngày một thêm đẹp, thêm hấp dẫn, thu hút nhiều khách thập phương trong và ngoài nước về đây chiêm ngưỡng:
Bình Định An Nhơn Tam Động Thủy Quảng Nam Diên Phước Ngũ Hành Sơn Nhật Bình Nguyễn Như Bình | |
|